Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Trần Quang Hải
(Pháp)


Website:
http://tranquanghai.info



 




Đại nhạc hội liên hoan

OIOI FESTIVAL



tại Bergen (Na Uy)
23 tháng 5 tới 4 tháng 6, 2007


Trần Quang Hải (Pháp)



Một thoáng thành phố Bergen
Thành phố Bergen được thành lập dưới thời vua Olav Kyrre (1066-1093). Với một diện tích 465 Km2 và một dân số 242.000 người, Bergen là thủ đô của xứ Na Uy từ thế kỷ 13 cho tới năm 1830, trên 6 thế kỷ, rất quan trọng về thương mại và hàng hải . Những nhà hàng hải Đức Hanse đã đóng đô tại đây từ mấy trăm năm và đã lập một hải cảng với những ngôi nhà bằng cây đã được UNESCO ban danh hiệu là gia tài thế giới (world heritage of the humanity) năm 1979. Đó là khu Bryggen với những con đường nhỏ hẹp giữa những ngôi nhà bằng cây đã được xây cất lại y như lúc xưa sau một trận hỏa hoạn khổng lồ đã thiêu hủy hoàn toàn khu này vào năm 1702. Nơi đây có nhiều tiệm bán những món quà kỷ niệm cho du khách và những áo len đặc biệt kiểu Na Uy. Có một số nhà hàng ở trong những con đường nhỏ giữa nhừng tòa nhà bằng cây rất ngon và đặc biệt cơm Na Uy . Trong khu này không có nhà hàng Á châu . Du khách nào tới Bergen đều bỏ chút thì giờ viếng khu này để chiêm ngưỡng nơi mà UNESCO ban tặng danh hiệu Gia tài thế giới di tích lịch sử .

Từ khu Bryggen đi bộ một chút là tới ngôi nhà kháng tiết hoàng gia Hakonshallen (www.bymuseet.no ) được xây cất từ 1247 tới 1261. Tại khu công viên này có ngọn tháp Rosenkrantztamet do ông sứ quân Erik Rosenkrantz cho xây vào khoảng 1560. Cạnh đó là ngôi nhà thờ Saint Maria (Mariakirken) được cất cách đây 850 năm và được coi là một di tích kiến trúc “normand” xưa nhứt của Na Uy.

Tới Bergen có vài chuyện phải coi và thăm . Đó là viếng viện nuôi cá đủ loại “Aquarium”(www.akvariet.no), viếng chợ cá ngay thành phố là nơi bán cá tươi, tôm , cua, được chở từ các tàu đánh cá tới đây mỗi buổi sáng sớm , leo lên núi Floyen (320m) bằng thang máy treo (funicular) và viếng ngọn núi cao nhất Ulriken trong 7 ngọn núi bao xung quanh thành phố.

Bergen còn được chọn là thành phố văn hóa âu châu (European Cultural City) vào năm 2000 . Bergen có 3 nhạc sĩ nổi tiếng thế giới : Edvard GRIEG (1843-1909), Harald Saeverud (1897-1992), và nhạc sĩ đàn vĩ cầm Ole Bull (1810-1880) . Cả ba ông đều có nhà trở thành viện bảo tàng cho du khách tới thăm viếng : viện bảo tàng Edvard Grieg – Troldhaugen (www.troldhaugen.com ), ngôi nhà Siljustol của nhạc sĩ Harald Saeverud (www.siljustol.no ) và ngôi biệt thự của nhạc sĩ Ole Bull trên đảo Lysoen (www.lysoen.no ). Tôi có tới đảo Lysoen để một buổi song tấu đàn violin do ông Stephan Barratt-Due đàn và vợ là bà Soon-Mi Chung, gốc Đại Hàn, đàn violin alto. Hai vợ chồng nổi tiếng tại Na Uy và đã đi trình diễn khắp năm châu. Ông Barratt-Due sẽ sang Việt Nam vào tháng 8 trong dự án giúp Việt Nam trong việc gởi giáo sư dạy đàn sang Việt Nam để dạy và nhận nhạc sinh Việt Nam vào trường âm nhạc mà ông là giám đốc ở Oslo. Chương trình nhạc thính phòng tại ngôi nhà của ông nhạc sĩ vĩ cầm Ole Bull trên đảo Lysoen rất đẹp, cất theo kiến trúc ảnh hưởng Ấn độ . Nhà được xây cất gần 150 năm trên một hòn đảo xinh xắn .







Cùng đi nghe nhạc với tôi có cháu Quỳnh Chi từ Oslo tới Bergen để thăm tôi . Tôi biết cháu Quỳnh Chi từ khi cháu mới sinh ra tại Oslo năm 1981. Hiện nay cháu làm việc cho cơ quan ULTIMA lo về việc âm nhạc có liên hệ tới văn hóa. Tuy sinh tại Na Uy cháu nói tiếng Việt rất trôi chảy và có nhiều dự án giúp Việt Nam trong tương lai về âm nhạc qua cơ quan ULTIMA. (Hình trên: Trần Quang Hải và Quỳnh Chi)

Ngày nay trở thành một nơi mà du khách thường tới thăm viếng và đại nhạc hội liên hoan Bergen dùng làm thành hòa nhạc mỗi năm . Chương trình có hai nhạc phẩm do nhạc sĩ Ole Bull sáng tác. Một bài có âm hưởng Á châu rất hay.

Bergen còn được nổi tiếng với hai đại hội liên hoan âm nhạc lớn nhứt xứ Na Uy : festspillene i Bergen (fib – www.fib.no ) vào tháng 5 và tháng 6; và natjazz chuyên về nhạc jazz cũng từ tháng 5 qua tháng 6 mỗi năm . Từ năm 2006 có thêm một đại hội liên hoan âm nhạc mang tên là Oi Oi Festival do Ole Hamre chủ trương với sự giới thiệu nhạc ngoài đường hoàn toàn miễn phí cho dân chúng được nghe và xem . Thành phố còn được trang bị một nhà hát OPERA, một nơi trình diễn âm nhạc Logen được xây cất từ thế kỷ thứ 19 và một phòng hòa nhạc Grieghallen dành cho nhạc cổ điển tây phương .

Số viện bảo tàng rất nhiều với mấy chục nơi thu hút du khách với những bức tranh giá trị, với những vật liệu nông dân kỹ nghệ của thành phố từ nhiều thế kỷ qua.

Nhà hàng ngoại quốc thì tiệm cơm Tàu nổi tiếng nhất và rộng lớn nhứt (Yang Tse Kiang với hai tiệm ở địa điểm tốt nhứt, China Palace). Ngoài ra có một nhà hàng cơm Mông cổ, vài nhà hàng Nhựt bán món sushi, cơm Thái nhưng do người Tàu và Việt làm. Việt Nam có vài tiệm như Bambus Restaurant, Cyclo, Zen nhưng không có quảng cáo trên báo và chỉ làm trong phạm vi nhỏ hẹp so với tiệm cơm Tàu. Ấn độ cũng có vài nhà hàng bán với giá bình dân nhưng chưa thu hút nhiều thực khách .

Bergen là thành phố có nhiều ngày mưa nhất xứ Na Uy . Mỗi năm có thể nói có trên 200 ngày mưa . Khi được một chút nắng là dân chúng đổ xô ra đường ngồi phơi nắng . Tới tháng 5 gần sang tháng 6 mà thời tiết vẫn còn lạnh và mưa thường xuyên . Tôi bị nhiều trận mưa, gió làm gảy hai cây dù .

Dù thời tiết gây một ít khó khăn , Bergen vẫn là một nơi rất đẹp , với những nơi fjord đẹp nhứt xứ Na Uy, hùng vĩ, uy nga, tráng lệ, và đi thăm Bergen một tuần là có thể giữ một kỷ niệm khó quên .

Một vài tiệm cơm Việt tại Bergen
Tại Bergen, chỉ có vài tiệm cơm Việt . Tiệm CYCLO do một vài thanh niên trẻ đảm trách , nhắm vào thực khách Na Uy. Các thức ăn có phở, các món thịt , tôm, cá xào với rau trình bày trong những tô , dĩa thật to màu trắng, có phần lai cơm Tàu . Bàn ghế theo kiểu Na Uy và khách hàng đa số trẻ. Giá cả tương đối rẻ , thu hút khách vào ăn . Một tiệm bán cà phê, bia loại cafe/bar với một số thức ăn như bò bún, phở, hủ tiếu, và một số thức ăn căn bản như chả giò, tôm chiên . Chủ tiệm CYCLO có mở thêm một nhà hàng thứ nhì mang tên là RED SUN ( Hồng Nhựt) tuy là Việt nhưng chuyên bán các thức ăn loại sushi (Nhựt) , Thái, Tàu . Người Na Uy từ những năm gần đây bắt đầu thích ăn cơm Á châu với số người Á châu tới di dân tại Na Uy ngày càng nhiều . Một mặt khác với tổng số 20.000 người Việt sinh sống tại Na Uy, và người Na Uy có dịp tới thăm viếng xứ Việt Nam để tìm hiểu và khám phá xứ Việt Nam mà họ chỉ biết qua sách vở lúc trước và giờ đây họ cần tìm hiểu thêm để có thể hòa mình với người Việt trên đất Na Uy, các quán cơm Việt bắt đầu có mặt ở những thành phố lớn ở Na Uy như Oslo, Bergen, Kristiansand, Arendal, Trondheim,v. v...

Một tiệm cơm bình dân khác là ZEN cafe bar do chị Mỹ Linh và anh Hiếu làm chủ, ở Stromgaten 26, 5008 Bergen, đối diện với Grieghallen là phòng hòa nhạc lớn nhứt thành phố Bergen. Nấu cơm giá rẻ chú trọng khách hàng bình dân . Có bán những món ngon như phở, hủ tiếu, bún bò Huế, bò bún . Mở cửa mỗi ngày từ 14giờ tới 21 giờ . Tôi có tới đây ăn món hủ tiếu Nam Vang rất ngon và món bò bún rất hạp khẩu vị .

Một tiệm khác tên là Zupperia ỏ phía dưới của một viện bảo tàng kỹ nghệ . Nơi đây đầu bếp là mấy cô Việt Nam , chỉ nấu vài món Việt như gà xào rau, bún xào tôm và rau , một vài món Thái và đa số là món Na Uy vì đa số là giới trẻ Na Uy tới ăn. Giá hạ vừa túi tiền sinh viên . Tôi có ăn món bún xào tôm không có gì là Việt Nam lắm. Không khí tiệm không có gì là Việt cả .

Còn một tiệm khác do một cậu trẻ tên Sơn đứng nấu cơm Việt và Na Uy, giá tương đối rẻ nhưng tôi chưa có dịp tới ăn . Nhà hàng ở cạnh nhà thơ công giáo, nơi các tín đồ công giáo Việt thường tới xem lễ ngày chủ nhật và cũng là nơi gặp gỡ người Việt công giáo khi có tổ chức hội hè .

Tôi chưa có dịp gặp người Việt Phật giáo nên không có ý niệm về sinh hoạt của cộng đồng Phật giáo ở Bergen . Sinh hoạt của cộng đồng do em Đỗ Châu Sơn phụ trách với trại hè cho trẻ em Việt được tổ chức hàng năm tại ngoại ô Bergen.

Năm nay Sơn cùng cha Tiến tổ chức trại hè từ ngày 1 tới 3 tháng 6. Tôi được mời tới để xem các em và phụ huynh sinh hoạt với các màn trình diễn rất vui mắt . Các em bé đều nói tiếng Việt rất trôi chảy . Tôi có trình diễn cho các em và phụ huynh một vài màn muỗng, đàn môi và hát đồng song thanh và có đôi lời khuyên bảo các em nên cố gắng gìn giữ tiếng nói Việt và phong tục tập quán của Việt Nam . Sau đó tôi có dịp hàn huyên cùng cha Tiến và các anh chị em để biết thêm về đời sống của những gia đình Việt Nam định cư tại đây . Tôi có gặp lại anh chị Nguyễn Công Hùng (cũng có viết nhạc và hiện về hưu). Chúng tôi ngồi quanh lửa trại, thưởng thức cua nướng, thịt bò khô, uống bia, và được nghe các anh chị em hát những ca khúc công giáo và tân nhạc tạo một bầu không khí vui nhộn .Tiệm cơm hoàn toàn Việt Nam phải nói là tiệm Bambus Restaurant , 34 đường Marken do cặp vợ chồng Toàn và Vân . Vợ người miền Nam đứng bếp. Chồng người Trung coi sóc bên ngoài .







Có một cô dọn bàn tên là Na (tên thật là Trần Như Vân Khánh) sang Na Uy được 4 năm , mặc quần áo cổ truyền với áo tứ thân . Bàn ghế hoàn toàn theo kiểu Việt Nam . Tất cả vật dụng trên bàn như chén dĩa, đồ đựng tiêu muối, đều của Việt Nam . Đũa được đựng vào một ống tre . Bình trà bằng đất để trên một cái lò nhỏ có lửa để hâm nóng thường trực . Tách trà là một chén chung nhỏ xinh xắn. (Hình trên: Trần Quang Hải và cô dọn bàn tên Na)

Thức ăn hoàn toàn Việt Nam không lai Tàu , Thái gì hết . Ngày đầu tiên tôi vào tiệm ăn món phở có đầy đủ mùi vị Việt Nam, với chanh xanh, rau mùi, rau quế, giá tươi, ớt tươi thơm ngon . Ngày hôm sau tôi ăn món thịt bò xào rau. Ngoài ra có món canh chua cá, tôm, Phòng trang trí theo màu nâu của dân quê Việt . Tranh ảnh treo trên tường phản ảnh cảnh nhà quê Việt Nam.

Ngồi vào bàn thấy thoải mái không bị chói mắt với màu mè đỏ vàng của Tàu . Người dọn bàn mặc y phục cổ truyền , di chuyển nhẹ nhàng theo tiếng nhạc cổ truyền không lời với tiếng đàn tranh, nhị, nhạc thính phòng Trung , Nam , Bắc rất nhỏ chứ không ồn ào như đa số nhà hàng Việt mà tôi thường vào ăn ở khắp nơi .

Em Châu Toàn mới lập nhà hàng này vào đầu năm 2004, với sức chứa 22 chỗ ngồi rộng rãi. Tôi đã vào ăn nơi đây cách đây ba năm . Lần này trở lại đây, không có thay đổi từ cách trang trí tới thực đơn . Khách vào ăn thuộc giới trung lưu, trí thức nên không khí trong phòng yên tịnh và thoải mái . Tiệm mở cửa mỗi ngày từ 14 giờ tới 24 giờ . Giờ khách vào ăn nhiều nhất là từ 16 giờ tới 20 giờ . Người Na Uy ăn cơm sớm. Họ ăn cơm tối vào khoảng từ 17giờ30 tới 19 giờ . Mùa hè ngày dài hơn đêm . Tới 23 giờ vẫn còn ánh sáng mặt trời nên người Na Uy đi nghe hòa nhạc, rồi còn đi dạo phố chơi . Mùa đông thỉ trời bắt đầu tối sầm vào khoảng 15giờ nên giờ giấc ăn uống có phần khác với những quốc gia khác ở Âu châu .

Mỗi ngày trong thời gian tôi ở Bergen để trình diễn , tôi đều tới ăn ở tiệm Bambus (có nghĩa là TRE). Theo tôi nhận xét , đây là một trong một số ít nhà hàng Việt mang màu sắc thuần túy Việt Nam và chú trọng tới văn hóa Việt Nam , từ cách ăn mặc nghiêm túc, tới cách trình bày thức ăn, trang trí phòng ăn và nhứt là rất sạch . Đó là những ưu điểm của sự thành công của nhà hàng này . Trong tuần lễ chót tiệm Bambus có mướn thêm một cô sinh viên mới từ Việt Nam sang được hai tháng tên là Minh . Tuy mới học dọn bàn nhưng có nhiều thiện chí, biết nói tiếng Anh và bập bẹ tiếng Na Uy .

Về cộng đồng Việt Nam tại Bergen
Nơi đây có khoảng 1.100 người Việt , phần đông là người tỵ nạn tới Bergen vào năm 1979. Hầu hết đều an cư lạc nghiệp . Một số người mở nhà hàng , mở tiệm bán chạp phô (có ba tiệm bán thực phẩm Á châu, thành công nhứt là tiệm cùa anh Cát).







Anh Trần Văn Nho (Hình trên : Trần Văn Nho và Trần Quang Hải ) sang Na Uy từ năm 1979, trở thành người chuyên dạy tiếng Na Uy cho những người di tản Việt và những sắc dân khác để có thể hội nhập vào xã hội Na Uy . Anh còn là một nhạc sĩ sáng tác một số nhạc phẩm được phổ biến rộng rãi với tên Trần Thụy Minh . Vợ tên Hồng , chuyên về kế toán . Hai vợ chồng có hai con tên là Huy và Khoa đều thành danh có công ăn việc làm ở Oslo . Một anh khác tên là Phạm Phú Minh có nghề tay trái là sáng tác nhạc , có nhạc phẩm được hát nhiều nơi . Ngoài ra có anh Dương Kiền là một nhà văn nổi tiếng trong giới cộng đồng Việt . Anh vừa mới xuất bản một quyển sách « Việt Nam - thế kỷ 20 – biên niên sử » kể lại những biến cố lịch sử xảy ra trong thế kỷ 20 tại Việt Nam do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Falls Church(Virginia, Hoa Kỳ) phát hành. Anh Dương Kiền là tên thật và cũng là bút hiệu, sinh năm 1939 tại Huế, gia nhập luật sư đoàn tòa thượng thẩm Saigon năm 1966, làm chủ bút tạp chí Văn Học Saigon từ 1961 tới 1963. Anh đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc về kịch năm 1968 và đã xuất bản thơ, kịch, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo về luật. (Hình dưới : Trần Quang Hải và Dương Kiền).







Từ năm 1979 anh định cư tại Bergen, Na Uy và tiếp tục sáng tác đều đặn. Nhà thơ Đăng Trình có phát hành thơ . Anh Nguyễn Công Hùng cũng là một nhạc sĩ có trình độ khá cao . Anh Lê Vinh thành công trong nghề may, đậu bằng cấp của Na Uy và tạo sự nghiệp trong giới may vá Na Uy .

Tôi có gặp những anh chị này năm 1979, hợp tác trong một chương trình Tết năm 1985. Năm 2004 Bạch Yến và tôi có trở lại Bergen trình diễn trên 100 buổi giới thiệu nhạc Việt cho trẻ em các trường học ở Bergen và vùng phụ cận , tiếp xúc và sinh hoạt với anh chị em nơi đây. Em Nho có tới đón tôi sau khi tôi trình diễn xong chiều thứ sáu 1 tháng 6 để đưa tôi tới một tiệc liên hoan chiêu đãi vợ chồng anh Vũ Hùng trước kia ở Bergen, làm việc ở sở di trú, sau đó di dân sang Úc châu .

Lần này đi nghỉ hè ghé Bergen vài ngày thăm bạn bè cũ Việt và Na Uy . Luôn dịp có mặt của tôi , vợ chồng Nho cùng một số bạn quen với vợ chồng Vũ Hùng như vợ chồng em Trần Văn Đức, anh chị nhà thơ Đăng Trình , nhà văn Dương Kiền, anh chị Nguyễn Công Tiệp, vợ chồng anh Quang , Phát, em Phụng, đã cùng nhau mỗi người làm một món ăn để cùng nhau họp mặt chung vui cho bạn bè có dịp gặp lại nhau. Tôi được mời đến để gặp các anh chị em quen biết , đồng thời biểu diễn vài tiết mục cho bạn bè người Na Uy biết việc làm của tôi tại Bergen trong dịp này . Âu cũng là một điều hay, tạo cơ hội để bạn bè có dịp gặp nhau chứ ai cũng có việc làm, gia đình và bận rộn với con cháu vì ai cũng ngoài ngũ tuần tới thất tuần cả.

Biết thêm về sinh hoạt xã hội, tôn giáo (Công giáo do em Đỗ Châu Sơn , kiến trúc sư phụ trách, Phật giáo). Em Đỗ Châu Sơn, còn trẻ 36 tuổi , hoạt động hăng hái, giúp đỡ công đồng chức trại hè cho trẻ em Việt Nam. Trong thời gian tôi ở Bergen, em Sơn đưa tôi gặp anh Pháp sang Na Uy từ năm 1981, dạy Việt ngữ tại một trường trung học ở Bergen và linh mục Đặng Quang Tiến từ Việt Nam sang để lo về đạo giáo Thiên chúa cho cộng đồng tại Bergen.

Em Sơn thường tới nghe tôi hát từ trên tòa nhà của tòa thị sảnh , ròi sau đó đưa tôi đi thăm ngoại cảnh ở ngoại ô Bergen lúc buổi chiều. Cảnh hoàng hôn với mặt trời còn đỏ chói vào lúc 23 giờ rất đẹp. . Em có nhiều hiểu biết về phong tục xứ Na Uy . Chẳng hạn như tại sao nhà cửa ở Na Uy thường sơn màu đỏ đậm? Lúc xưa người Na Uy đi săn cá ông có rất nhiều máu đỏ. Người Na Uy lấy máu cá ông dùng làm sơn để sơn vách tường bằng cây thông vừa đẹp vừa bảo vệ vách tường cây. Ngày nay không còn dùng máu cá ông nhưng họ vẫn tiếp tục dùng sơn với màu đỏ đậm để sơn nhà . Vì vậy đa số nhà ở Na Uy thường có màu đỏ đậm.

Đó là điều tôi không biết vì không có ai giải thích cho tôi cả . Hai màu khác cũng được ưa thích là màu vàng và xanh cây. Tôi nghĩ tới màu lá vàng mùa thu và màu xang cây của các cây thông mọc khắp nơi ở Na Uy .

Dân số xứ Na Uy chỉ có gần 5 triệu người . Xứ Mỹ , tại tiểu bang Minnesota có rất nhiều người gốc Na Uy cư ngụ vì phong thổ rất gần phong thổ và cảnh vật xứ Na Uy . Hiện tại , xứ Mỹ có khoảng 8 triệu người gốc Na Uy, gần bằng hai tổng số dân tại Na Uy .

Ngày 2 tháng 6, em Sơn chở tôi tới trại hè của mấy đứa trẻ Việt Nam ở ngoại ô Bergen, gần phi trường để cho các em có dịp gặp tôi vì có một số em đã từng xem tôi trình diễn ở trường học cách đây mấy năm. Tôi có dịp sinh hoạt với mấy em và rất vui khi thấy mấy em trẻ vẫn còn nói tiếng Việt và duy trì một số phong tục Việt Nam và rất lễ phép theo truyền thống Việt Nam .Tôi dạy mấy em vài bài dân ca Việt Nam và mấy em cùng hát với tôi . Một buổi sinh hoạt vui trong bầu không khí ấm cúng của Việt Nam .

Cộng đồng Việt có tinh thần đoàn kết, làm việc chung với nhau mỗi khi tổ chức Tết. Đó là một hình ảnh đẹp của cộng đồng Việt tại Bergen .

Lần này sang Bergen trong chương trình của đại hội liên hoan OI OI Festival mà tôi là nhạc sĩ Việt Nam duy nhứt , tôi cũng có dịp gặp lại mấy anh chị em trong giới văn nghệ để hàn huyên và thăm hỏi . Nho và Hồng cùng với vợ chồng nhà thơ Đăng Trình có tới xem tôi trình diễn muỗng trước nhà hàng Trond Moi cạnh bờ hồ ngay trung tâm thành phố hôm thứ bảy 26 tháng 5. Ngày 28 tháng 5, Nho và Hồng có mời tôi tới nhà dùng cơm trưa chung với vợ chồng anh Hoa là sui gia với Nho và Hồng . Anh chị Hoa có gặp tôi cách đây trên 20 năm tại tỉnh Drammen khi chúng tôi được mời sang diễn cho cộng đồng Việt . Hồi năm 2006 tôi có gặp lại anh Hoa tại Oslo . Đây là bữa cơm Việt ngon nhất và đặc biệt với món thịt bò lúc lắc thứ to , rồi tới món lẫu tôm, cá, mực, đử các loại rau , ăn với bún . Rượu đỏ thuộc loại thật ngon , đậm đà . Tráng miệng có chuối chưn . Đúng là một bữa cơm thịnh soạn hậu đãi bạn .







Đại hội liên hoan nhạc tùy hứng OI OI Festival tại Bergen năm 2007 Đây là một đại hội liên hoan âm nhạc ngoài đường . Nghệ sĩ có thể là bất cứ ai : một người đi đường, một em bé, một ông cụ , ông thị trưởng, hay ông thủ tướng đều có thể trở thành nghệ sĩ trong khung cảnh của đại hội nhạc liên hoan này . Mỗi ngày ở các con đường trong thành phố Bergen có thể trở nên một sân khấu . Ole Hamre là người điều khiển đại nhạc hội OI OI . OI OI là chữ Na Uy để bày tỏ sự ngạc nhiên, sự thất vọng trước một sự việc, một biến cố . Vì vậy có những tiết mục rất mới lạ . (Hình trên : Trần Quang Hải và Ole Hamre, giám đốc đại nhạc hội liên hoan OI OI)

FOLKOFONEN
Đây là một chương trình dùng máy vi tính thực hiện với 4 màn ảnh nhỏ có thể thay đổi hình tùy theo sự xếp đặt trên các phím đàn synthetizer . Người thực hiện đi thu nhiều loại giọng khác nhau từ giọng đứa trẻ nhỏ từ 3 tới 5 tuổi, tới các em nhỏ 10 tuổi tới 13 tuổi, các phụ nữ thuộc nhiều quốc gia sinh sống trên đất Na Uy, các ông bà cụ già, và ngay cả ông thị trưởng của thành phố Bergen và luôn ông thủ tướng xứ Na Uy . Mỗi người hát một nốt nhạc ở một cao độ lựa chọn. Sau đó người sáng tác nhạc sẽ pha trộn tùy hứng giữa hàng trăm giọng khác nhau tạo thành một bài nhạc rất lạ lùng . Có khi nghe êm tai , có khi nghe chõi tai, có khi rất hài hước tạo những trận cười cho người đứng nghe. Chương trình này được trình diễn mỗi buổi chiều lúc 20giờ 15 trong tủ kính của một trung tâm thương mại SUNDT lớn nhứt ở Bergen .

HOYSANG - Giọng hát từ các tòa cao ốc xung quanh hồ ngay trung tâm thành phố
Ole Hamre mời 4 ca sĩ thuộc 4 truyền thống giọng khác nhau để hát từ 4 tòa nhà thật cao tượng trưng bốn hướng Đông Tây Nam Bắc . Ở đây không phải là dùng lời nhạc mà chú trọng nhiều về giọng hát . Tiếng ngân nga kéo dài của giọng Ả rạp, tiếng gọi bò của Na Uy nghe thanh thót , cao vút cũng như tiếng hát Yoik của người Sami dập dìu kế tiếp bằng giọng bồi âm trong như tiếng sáo hay thật trầm rùng rợn của người Mông cổ và Tuva miền Tây Bá lợi á một bầu trời âm thanh vào mỗi buổi chiều từ 18 giờ tới 20 giờ ở ngay trung tâm thành phố được phóng thanh vang khắp cả một khu của thành phố Bergen và vọng tới những nhà ở trên sườn đồi bao quanh thành phố . Đây là một ý kiến rất mới lạ vì không ai thấy người hát đâu cả, chỉ nghe giọng hát phát xuất từ trong không gian rộng lớn . Đó là một sáng tạo mới của đại hội liên hoan nhạc ngoài đường năm 2007.

Tôi không ngờ được mời vào trong chương trình này . Ngày đầu tiên gặp nhau để bàn về việc phối hợp 4 giọng này lại với nhau . Anh Ailus Gaup ở miền cực Bắc xứ Na Uy phải đi xe hơi hơn 200 km mới tới một nơi có phi trường để lấy máy bay . Rồi đi tới Oslo và từ Oslo đi Bergen . Vì không có nhiều chuyến bay nên anh ấy tới Bergen vào lúc 22giờ30. Do đó buổi gặp nhau được tổ chức tại nhà hát Grieghallen vào lúc 23 giờ . Mỗi người cho nghe giọng và kỹ thuật của mình . Anh Ole Hamre đề nghị mỗi người hát 45 giây một mình rồi sau đó hòa chung 4 giọng với nhau.

Sau khi tập dượt thử thì tôi đề nghị là không thể trộn các giọng lại với nhau vì nghe hơi « chướng tai » và không có gì mới lạ. Tập đi tập lại hơn 1 giờ thì tạm xong việc phân chia giọng và trình tự tiếp nối với nhau.

Tôi được mời tham dự chương trình này cùng với 3 ca sĩ khác . Ali Al Badri , người xứ Iraq có giọng hát cao, trong , mạnh để vang lên lời cầu nguyện đọc kinh Coran thường được nghe tại các xứ Trung Đông và tượng trưng miền Nam. Cô Benedichte Mausseth, người Na Uy, dùng giọng nữ thật mạnh và cao vút để gọi các thú vật theo truyền thống Na Uy thời xưa , tượng trưng miền Tây phương. Anh Ailus Gaup, người xứ Sami , một dân tộc miền Bắc vùng Bắc Âu , sử dụng giọng trong loại hát JOIK đặc biệt của dân tộc này, tượng trưng miền Bắc .

Còn tôi dùng giọng đồng song thanh của Mông cổ / Tuva của Trung Á, đại diện cho vùng Đông phương . Tôi không biết ban tổ chức vì lý do nào để lựa 4 loại giọng này . Kết quả rất thành công vì qua cách phát âm và giọng khác nhau về màu sắc đã làm vang một khung trời thành phố Bergen . Dân chúng đi ngoài đường ngạc nhiên thốt ra « OI » khi nghe âm thanh lạ vang dậy mà không biết từ góc nào của thành phố. Họ ngướng mắt nhìn lên trời như tìm kiếm nơi phát xuất từng loại giọng chỉ kéo dài mỗi giọng có 45 giây tới 1 phút . Rồi tiếp theo một giọng khác.

Chương trình bắt đầu mỗi ngày từ 18 giờ tới 18giờ 06 , rồi lặp lại lúc 19giờ và 20 giờ . Dân chúng đi ở ngoài đường xung quanh hồ, hay ngay cả những người ở xung quanh khu đó đều có thể nghe các giọng hát này . Mỗi giọng đều có máy phóng thanh làm vang lớn cả một khu thành phố . Bốn tòa nhà cao được lựa chọn : nhà hát lớn Grieghallen (phòng hòa nhạc lớn nhất thành phố), viện bảo tàng nghệ thuật (Bergen Kunstmuseum), tòa nhà Handelen chuyên về thương mại, và tòa thị sảnh (Bergen Radhus). Tôi đứng ở tầng chót (thứ 14) của tòa thị sảnh , cao 100m, cao nhất thành phố . Nơi đây có thể nhìn thấy phong cảnh của toàn thành phố Bergen .

Người đi đường vào thời điểm ấn định của chương trình bỗng nghe một giọng hát lạ lùng tiếp nối với những giọng hát mà có thể họ chưa nghe bao giờ vang vọng lên giữa bầu trời quang đảng hay u ám (thời tiết ở Bergen rất bất thường , có khi đang nắng bỗng nhiên trời đổ mưa xuống ). Việc phối hợp bốn loại giọng này là một sáng tạo của OI OI Nhờ đứng trên cao nên âm thanh vang rất xa tới mấy cây số . Một hôm vào ngày 29 tháng 5, tôi hát xong thì cô hướng dẫn đi theo giúp tôi có được một giáo sư dạy nhạc ở trường đại học Bergen gọi điện thoại muốn gặp tôi vì ông ấy nghiên cứu về giọng và đặc biệt là về hát đồng song thanh . Tôi cho hẹn vào sáng hôm sau tại khách sạn nơi tôi trú ngụ .

Ông ấy tới đúng giờ hẹn và tự giới thiệu tên là Michael (tôi không biết rõ họ ông ấy). Tôi mời ông lên phòng của tôi và minh họa giọng hát đồng song thanh với máy vi tính có bộ phần mềm cho thấy các bồi âm hiện ra như thế nào . Ông ta vô cùng thán phục và muốn mời tôi tới trường ông dạy để nói chuyện với sinh viên về bộ môn này . Tôi trả lời rằng tôi không thể làm việc khác vì đã ký hợp đồng làm việc với đại hội liên hoan . Nếu ông ta muốn thì có thể mời tôi lần tới do trường đại học bảo trợ. Ông đồng ý và xin hẹn tôi một dịp khác trong tương lai .

Festival OI OI còn có những chương trình với ban hợp xướng trẻ em với hàng trăm đứa trẻ hát những bài hát dân ca hay tân nhạc tại một địa điểm ngay trung tâm thành phố . Tuần lễ thứ nhì của đại hội liên hoan được trời nắng đẹp nên thiên hạ đi cùng đường rất nhộn nhịp . Ngoài ra có một chương trình với 14 chiếc xe hơi bốp kèn đủ cao độ làm thành một bản nhạc hay và lạ . Một chương trình khác là dùng các vật liệu trong nhà bếp như soon, nồi , dao , thớt bầm thịt , vv… cắt rau hòa với tiếng bắp rang trong nồi rất được dân chúng tán thưởng . Những sinh viên của âm nhạc viện của thành phố Bergen tập dượt với các dụng cụ nhà bếp, mặc quần áo nhà bếp gõ nhịp với nhiều tiết tấu tạo thành đa tiết giống như các loại nhạc pop, hip hop.

Khán giả vừa nghe vừa nhún nhảy theo điệu nhạc rất linh động . Tôi biểu diễn , màn gõ muỗng gặt hái những tràn pháo tay nồng nhiệt vì không ai có thể tưởng tượng rằng với một cặp muỗng có thể tạo nhiều âm thanh lạ lùng và linh động như vậy .

Đài phát thanh Radio 1 và đài truyền hình quốc gia NRK làm phóng sự hàng ngày
Năm nay thành phố Bergen có ba đại hội liên hoan âm nhạc : Nattjazz Festival chuyên về nhạc Jazz từ 23 tháng 5 tới 3 tháng 6, chỉ diễn buổi tối thật khuya từ 23 giờ tới 2 giờ sáng mỗi đêm . Nordiske Impulser / Festspillene i Bergen (FIB) chuyên về nhạc cổ điển Tây phương và OI OI festival chuyên về nhạc và nghệ thuật ngoài đường cho dân chúng xem , đặc biệt là hoàn toàn miễn phí trong khi hai Festivals kia thì phải trả tiền khá mắc.

Mỗi ngày đài phát thanh Radio 1của thành phố Bergen mời nghệ sĩ diễn của ngày hôm đó tói đài để phỏng vấn . Chương trình của chúng tôi với 4 ca sĩ được mời vào ngày thứ năm 24 tháng 5 để phỏng vấn trực tiếp vào lúc 8giờ30 sáng . Họ phỏng vấn từng người và mời hát một đoạn ngắn . Tới phiên tôi hát đồng song thanh thì họ hỏi nhiều câu hỏi và tôi biểu diễn nhiều loại giọng kéo dài cả 5 phút trong khi những người kia chỉ có 2 phút thôi .

Đài truyền hình quốc gia NRK có hai đài chánh : NRK 1 và NRK 2 chiếu trên toàn quốc . Họ tới Bergen để làm phóng sự và thực hiện phim tài liệu về những đại hội liên hoan âm nhạc để chiếu trong tương lai . Ngoài ra họ làm phóng sự mỗi ngày. Tôi được mời lên phỏng vấn về hát đồng song thanh vào ngày 28 tháng 5 để chiếu vào ngày hôm sau (29 tháng 5) trên toàn quốc . Tôi biểu diễn màn độc tấu rồi sau đó song tấu tùy hứng với anh Ailu Gaud , người Sami thuộc sắc tộc miền Bắc Âu . Anh ấy vừa hát loại JOIK với trống còn tôi hát đồng song thanh với đàn môi Mông nghe rất huyền bí .

Những người làm cho đài truyền hình rất ngạc nhiên và thích thú khi nghe tôi hát đồng song thanh với hai kỹ thuật : một kỹ thuật với giọng bồi âm cao và một kỹ thuật với giọng thật trầm . Người phỏng vấn đặt nhiều câu hỏi để cho tôi giải thích cho khán giả Na Uy biết về loại hát này . Nhiều người Việt Nam bạn của tôi được báo tin và có xem chương trình rất hãnh diện có người Việt Nam tham dự đại hội này . Một số người Na Uy đã gọi cho ban tổ chức ngõ ý muốn gặp tôi . Có một giáo sư đại học của trường đại học Bergen đến gặp tôi tại khách sạn sau đó để hỏi thăm về cách luyện giọng như thế nào vì ông ấy nghiên cứu về giọng và có nghiên cứu hát đồng song thanh nhưng không biết cách hát cho đúng truyền thống . Tôi có mang theo máy vi tính laptop có chương trình đo âm thanh nên tôi có dịp giải thích rõ ràng qua hình ảnh trên máy vi tính .

Chuyến đi này đã lưu lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên . Ngoài việc trình diễn thành công tại đại hội liên hoan OI OI Festival , tôi còn có dịp gặp gỡ cộng đồng người Việt tại đây, tham gia sinh hoạt của họ và biết thêm sinh hoạt cũng như đời sống ngưòi Việt tại Bergen . Hy vọng rằng những chuyến đi khác cũng mang lại cho tôi những thành quả như thế .



Trần Quang Hải
(Mùa hè, 2007)

Website Trần Quang Hải: http://tranquanghai.info


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com